Cũng tại hội nghị Flash Memory Summit, Intel đã giới thiệu một form ổ SSD mới dành cho máy chủ với thiết kế được gọi là cây thước (ruler). Form ổ này được phát triển dựa trên form EDSFF với mục tiêu giúp cho các nhà sản xuất máy chủ lắp đặt đến 1 PB (Petabyte = 1000 TB) bộ nhớ vào một máy chủ 1U trong khi vẫn hỗ trợ đầy đủ các tính năng dành cho doanh nghiệp. Ổ SSD độc đáo này của Intel sẽ được bán ra trong tương lai gần và được hãng quảng cáo là có nhiều ưu điểm vượt trội về hiệu năng, mật độ lưu trữ, mức tiêu thụ điện năng và thậm chí là kích thước.
Trong suốt nhiều năm, ổ SSD dành cho máy chủ và PC phổ thông vẫn phụ thuộc vào form ổ HDD truyền thống nhằm đảm bảo khả năng tương thích giữa nhiều loại thiết bị lưu trữ. Mặc dù vậy, form ổ 2,5" và 3,5" không phải lúc nào cũng tối ưu cho SSD, đặc biệt là vế khía cạnh mật độ lưu trữ, khả năng làm mát … Để thay thế, Intel đã phát triển form ổ M.2 và hiện đã khá phổ biến trên thị trường. Dòng ổ M.2 dù sở hữu ưu điểm là mật độ lưu trữ cao hơn, nhỏ gọn hơn nhưng chúng không được thiết kế để hỗ trợ các tính năng như tháo gắn nhanh và vấn đề tản nhiệt cũng cần được quan tâm. Ngược lại, form ổ dạng cây thước được Intel phát triển đặc biệt dành cho máy chủ và đáp ứng được các yêu cầu của một trung tâm dữ liệu. Theo Intel thì dòng ổ này sẽ "mang lại dung lượng lưu trữ lớn nhất đối với một máy chủ với nhu cầu làm mát và điện năng thấp nhất."
Từ khía cạnh kỹ thuật thì mỗi ổ SSD dạng cây thước là một mô-đun dài có thể tháo gắn nhanh được và bên trong chứa được tối đa 10 bộ nhớ NAND hoặc chip nhớ 3D Xpoint. Nhờ đó, dung lượng và hiệu năng của dòng ổ này cao hơn nhiều so với mô-đun M.2.
Trước mắt, kết nối được Intel trang bị cho dòng ổ độc đáo này là SFF-TA-1002 Gen-Z - một chuẩn kết nối hỗ trợ giao tiếp PCIe 3.1 x4 và x8 với băng thông tối đa theo lý thuyết lần lượt là là 3,94 GB/s và 7,88 GB/s theo cả 2 chiều dữ liệu. Intel cho biết về sau mô-đun SSD này có thể khai thác giao tiếp x16 với tỉ lệ truyền tải 8 GT/s, 16 GT/s (đối với PCIe Gen 4) hay thậm chí là 25 - 32 GT/s (PCIe Gen 5).
Chân kết nối của ổ SSD cây thước của Intel được thiết kế dành riêng cho máy chủ do đó nó có nhiều chân pin hơn so với chân kết nối M.2 PCIe 3.0 x4 thông thường. Nó có thêm các chân pin SMBus dành cho giao thức NVMe và các chân pin tiếp thêm điện cho các tụ nhằm bảo vệ dữ liệu khi mất nguồn đột ngột. Dòng ổ này sẽ dùng điện áp đầu vào 12 V và điện năng tiêu thụ trên dưới 50 W.
Hiện tại với các máy chủ và hệ thống backplane tương thích với ổ SSD dạng cây thước này sẽ không tương thích với các ổ form DFF hay các form đặc thù khác. Ổ SSD cây thước được phát triển dựa trên form EDSFF như đã nói và chuẩn này vừa mới chính thức được chuẩn hóa. Nhóm quản lý chuẩn EDSFF bao gồm các nhà sản xuất máy chủ như Dell, Lenovo, HPE và Samsung đóng vai trò đề xuất, WD cũng tham gia với vai trò là bên hỗ trợ.
Điều đáng chú ý là Intel đã bắt đầu chuyển những chiếc ổ SSD cây thước đầu tiên tích hợp chip nhớ MLC NAND đến tay một số đối tác từ 8 tháng trước, động thái này giúp nhóm quản lý chuẩn EDSFF chuẩn bị cho tương lai. Thêm vào đó, một số đối tác của Intel đã bổ sung các tính năng mà họ muốn vào chuẩn EDSFF trong khi một số đang tìm cách khai thác các form quen thuộc hơn như card đồ họa (GPU) hay mạch tích hợp cỡ lớn có thể lập trình (FPGA).
Cuối cùng, Intel cũng đã chính thức ra mắt sản phẩm đầu tiên dùng form ổ cây thước với tên gọi Intel DC P4500 series. Ổ này dùng bộ nhớ 3D NAND chuẩn doanh nghiệp và vi điều khiển được thiết kế riêng. Intel vẫn chưa tiết lộ dung lượng tối đa của ổ nhưng chắc chắn sẽ rất lớn theo tiêu chí mà hãng đã nhắc đến. Trong tương lai, Intel đã có kế hoạch ra mắt những ổ SSD cây thước dùng công nghệ bộ nhớ Optane 3D Xpoint.